Trước đây, nói đến làng mai vàng truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh, người ta nghĩ ngay đến làng mai Thủ Đức hay Gò Vấp. Tuy nhiên những năm gần đây, làng mai mới nổi Bình Lợi (huyện Bình Chánh) lại gây được sự chú ý của nhiều người. Và người tiên phong trong phong trào trồng mai tại xã Bình Lợi không ai khác chính là anh Trần Tứ Vương, đặc biệt là phương pháp trồng hoa mai kết hợp sử dụng phân hữu cơ của anh.
Làng mai Bình Lợi mùa này chìm ngập trong màu xanh tươi của lộc biếc, chồi non. Vốn là vùng đất nhiễm phèn nặng, trước đây, người dân Bình Lợi chủ yếu trồng mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Trăn trở trước vấn đề làm thế nào để khai thác hết thế mạnh của mảnh đất quê hương, anh Trần Tứ Vương đã tiên phong trong việc chuyển đổi từ cây mía sang trồng mai vàng. Và người nông dân ấy đã thành công trên chính mảnh đất quê hương mình.
Trước năm 2005, gia đình anh Vương cũng trồng mía như bao hộ nông dân khác nhưng thấy việc trồng mía chỉ lấy công làm lời nên anh Vương đã mạnh dạn nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng mai vàng. Năm 2005, anh Vương đích thân xuống Bến Tre và làng mai Thủ Đức để mua giống mai về trồng.
>>cây mai rễ cọc hay rễ chùm ?rễ cây mai rễ cọc hay rễ chùm thuộc rễ gì? Đặc tính của cây Mai Vàng và mua mai quấn rễ
Anh Vương chia sẻ: “Khó khăn nhất khi trồng mai chính là kỹ thuật và nguồn vốn. Ngoài việc tham gia một số lớp dạy nghề về trồng mai thì tôi còn bỏ công đi thực tế tại các làng mai nổi tiếng để học hỏi kinh nghiệm. Ban đầu, mọi người đều cho rằng quyết định của tôi là táo bạo và nguy hiểm, vì chưa có ai làm như vậy trong vùng. Nhưng với sự quyết tâm và mạnh dạn, tôi đã vay vốn ngân hàng hàng trăm triệu đồng để gầy dựng ruộng mai này”.
Anh Trần Tứ Vương bên vườn mai bạc tỉ của gia đình
Theo anh Vương, nghề trồng mai là một nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ và và sự đam mê. “Trồng mai cũng kỳ công lắm, phải thường xuyên cắt tàng, tạo dáng. Cứ 10 ngày phải phun thuốc bảo vệ và kích thích 1 lần, phân chuồng mỗi năm bón 1 lần, phân hóa học 3 lần/năm, phân hữu cơ cũng 1 – 2 lần/năm. Chưa kể còn phải làm cỏ, căn lấy nước, nhân giống cây con… Hầu hết thời gian trong ngày tôi đều dành hết cho ruộng mai của mình”, anh Vương tâm sự.
>>mai ghép gốc nhớt là gì?kỹ thuật cách ghép mai gốc nhớt cơ bản?
Nhờ thổ nhưỡng phù hợp cộng với sự chịu khó tìm tòi học hỏi, sự chăm chỉ cần cù và niềm đam mê của anh Vương mà ruộng mai phát triển nhanh chóng. Chỉ sau hơn 2 năm chăm sóc, vườn mai đã bắt đầu cho thu hoạch. Thấy cây mai có triển vọng kinh tế cao, anh Vương đã nhanh chóng nhân rộng, và hiện tại ruộng mai của anh Vương có diện tích 4ha với khoảng 30 ngàn gốc, tổng giá trị lên tới 9 – 10 tỷ đồng.
Giá bán mai cũng đa dạng, tùy vào độ tuổi mà thương lái lựa chọn. Cây mai 3 tuổi có giá 300 – 400 ngàn đồng, cây 4 – 5 tuổi có giá khoảng 600 ngàn đồng, và mai từ 6 – 7 năm có giá từ 1 – 2 triệu đồng. Giá mai tại Bình Lợi mềm hơn rất nhiều so với các nơi khác nên rất được thương lái ưa chuộng. Đến dịp tết, thương lái khắp nơi đổ về làng mai Bình Lợi, ruộng mai của anh Vương vẫn luôn là lựa chọn số 1 của các thương lái. Mỗi tết như vậy anh Vương xuất bán từ 2000 – 3000 gốc mai. Anh Vương phấn khởi: “So với trồng mía thì trồng mai lãi hơn rất nhiều. Tổng thu nhập trên vườn mai mỗi năm được khoảng 700 – 800 triệu, từ hết chi phí đầu tư tôi vẫn bỏ túi được 500 triệu”. Anh Vương cho biết, trong thời gian tới anh sẽ giữ quy mô ruộng mai ở mức ổn định và sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp vườn mai lên.
Các công nhân đang ươm giống tại ruộng mai của anh Vương
Thấy anh Vương trồng mai có hiệu quả, các hộ dân trong xã Bình Lợi cũng đã mạnh dạn chuyển từ cây mía sang trồng mai. Hội Nông dân cũng như Trạm Khuyến nông cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đóng vai trò “kích rễ mai”, là người tiên phong nên anh Vương thường xuyên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với các hộ trồng mai khác, giúp các hộ cùng làm kinh tế giỏi và góp phần xây dựng thương hiệu làng mai Bình lợi. Hiện nay, xã Bình Lợi có gần 20ha mai, làng Mai Bình Lợi cũng đã tạo được thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường mai tết trong những năm gần đây.